1. Ranh giới của giá trị cơ bản: Hiểu rõ bản thân
Mọi thứ dường như không bao giờ là đủ, kể cả công việc. Chúng ta thường tìm thấy cảm giác thỏa mãn khi không ngừng đạt được thành tựu. Nhưng đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng kiệt sức vì chạy theo kỳ vọng quá mức của những người xung quanh. Loại kỳ vọng đó buộc ta phải làm việc ngay cả khi không mong muốn.
Song, mỗi người đều sở hữu một giá trị riêng biệt được hình thành bởi sự kết hợp giữa kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn, năng lượng, vốn hiểu biết và quan điểm. Khi đã coi trọng bản thân (thời gian, năng lượng, kỹ năng và chuyên môn của mình), niềm tin và nhận thức về thành tựu sẽ được nâng cao, điều này giúp tạo nên động lực để vượt qua định kiến và giới hạn.
2. Ranh giới khi giao tiếp: Luôn rõ ràng và ngắn gọn
Khi đã hiểu rõ bản thân và biết được điều mình muốn, hãy học cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích. Có khi nào bạn dùng “Xin lỗi” là tín hiệu bắt đầu cho một cuộc trò chuyện như “Xin lỗi đã làm phiền bạn nhưng tôi chỉ muốn cập nhật về…” hoặc “Tôi không muốn làm phiền nhưng bạn có vui lòng trò chuyện về…”
Thật không may, những câu nói như vậy không hề giúp ích. Ngược lại, nó còn khiến người khác sẵn sàng nói “không” với lời đề nghị của bạn. Chúng khiến thông điệp bị loãng và không rành mạch.
Do đó, hãy cố gắng quyết đoán với những lựa chọn và đảm bảo tính chính xác của thông tin.
3. Ranh giới của sự kỳ vọng
Hợp đồng lao động sẽ được ký kết sau khi hai bên hiểu được mong muốn cơ bản của nhau. Cơ sở làm việc vẫn sẽ phát triển tốt miễn là các kỳ vọng vẫn rõ ràng, thực tế và được các bên đồng thuận.
Trái lại, kỳ vọng không được hiểu rõ hoặc không được thống nhất sẽ gây căng thẳng cho các bên liên quan và tạo ra mối đe dọa đối với kết quả cuối cùng. Đây là lúc việc quản lý kỳ vọng trở nên cực kỳ quan trọng.
Lúc bắt đầu, bạn có thể từ chối công việc hoặc thương lượng để điều chỉnh những điều khoản cơ bản. Theo thời gian, bạn có thể sẽ được phép yêu cầu thay đổi nhiệm vụ, dự án và kể cả nơi làm việc. Nhưng hãy đảm bảo rằng mình luôn hoàn thành tốt những công việc thay thế.
4. Ranh giới cuộc sống cá nhân. Danh sách những điều bất khả xâm phạm
Đôi khi, chúng ta đưa ra quyết định mà không ý thức được hậu quả của sự đánh đổi. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu chuẩn bị một danh sách bao gồm những điều bất khả xâm phạm. Danh sách này sẽ giúp bạn xác định những điều quan trọng trong cuộc sống.
Ví dụ, nếu chấp nhận làm thêm giờ, bạn sẽ được và mất gì? Về mặt lợi, việc tăng ca sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí ăn uống, tiệc tùng. Song, nó sẽ khiến các mối quan hệ với người thân và bạn bè dần xa cách.
5. Ranh giới của làm việc từ xa
Khi làm việc tại nhà, bạn sẽ bị xao nhãng bởi những yếu tố hoàn toàn mới. Lúc đó, ta buộc phải thiết lập một nhu cầu tự kỷ luật cao hơn, tự quản lý thời gian giải lao và làm việc.
Và sự phân tâm có thể trở nên trầm trọng hơn khi nhận quá nhiều tin nhắn và câu hỏi qua email hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Do đó, để làm việc từ xa hiệu quả, chúng ta cần có những cuộc trò chuyện cẩn thận với đồng nghiệp để đảm bảo rằng những ranh giới đều được hiểu và tôn trọng.
6. Ranh giới sức khoẻ: Cẩn thận với nguy cơ kiệt sức
Song, đừng bao giờ quên theo dõi trạng thái sức khoẻ mà trong đó, kiệt sức là vấn đề phổ biến nhất.
Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể bị kiệt sức với những công việc được thúc đẩy bằng đam mê và mục đích rõ ràng. Vì khi càng say mê, chúng ta càng dễ dàng biện minh cho thời gian làm việc quá tải. Nhưng động lực, sức bền, sự tập trung là có hạn và cần được tái tạo. Và chúng ta chỉ có thể phục hồi bằng những niềm vui bên ngoài công việc.
Tạm kết
Thiếu ranh giới bảo vệ sẽ dẫn đến tình trạng không có thời gian nghỉ ngơi. Khi quá tập trung vào công việc, chúng ta rất dễ quên đi ý nghĩa cuộc sống. Do đó, hãy luôn xem xét những tác động lâu dài.
Nguồn: Internet