Có nhiều lý do người ta chọn đất nước Canada làm điểm đến bình yên, với nền Chính trị trong sạch, ổn định; Môi trường thiên nhiên sức trong lành; Người dân nơi đây thân thiện và lịch sự; điều đặc biệt nhất là hệ thống Giáo dục và Y tế ở Canada rất được chính phủ liên bang cũng như tại tỉnh bang quan tâm đầu tư. Nếu bạn đang dự định tìm kiếm các ngành học liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thì Canada xứng đáng được xem xét, cân nhắc.
Hiểu về Hệ thống Y Tế Canada
Canada được xem là đất nước có hệ thống y tế công cộng tốt cho toàn dân. Tại Canada, bạn sẽ không thấy có các bệnh viện dành riêng cho người giàu hay quan chức chính phủ, vì dù là người có thu nhập thấp hay cao, tất cả ‘residents’ đều được hưởng chính sách bảo hiểm y tế công cộng như nhau.
Bảo hiểm y tế tại Canada được quản lý độc lập bởi từng tỉnh bang & vùng lãnh thổ. Tùy vào từng tỉnh bang & vùng lãnh thổ mà chương trình bảo hiểm y tế sẽ có tên gọi khác nhau.
Tại bang Ontario, thường trú nhân (Permanent Residents) và người dân (Ontarians) được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoàn toàn miễn phí với tên gọi của chương trình là OHIP (Ontario Health Insurance Program) và sẽ được tự động xem xét đáo hạn mỗi 5 năm.
Khi có thẻ bảo hiểm OHIP, người dân có thể được khám và điều trị bởi các bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa, chụp X-quang, thử máu, phẫu thuật, nằm viện nội trú, sinh con …. (ngoại trừ các hạng mục như mua thuốc uống theo toa bác sĩ, vệ sinh răng miệng, mắt, mắt kính, chấn thương chỉnh hình, vật lý trị liệu). Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ vẫn được chính phủ hỗ trợ chi trả trong chương trình OHIP nếu có chỉ định của bác sĩ, hoặc là người lớn tuổi, người không có thu nhập (theo quy định của chương trình).
Ngoài bảo hiểm y tế OHIP của tỉnh bang, người dân có thể động mua thêm các chương trình, gói bảo hiểm khác, được mua từ các tổ chức, công ty – nơi mình làm việc (employer). Nếu không có bảo hiểm cộng thêm do các tổ chức này chi trả, họ sẽ phải tự trả tiền cho những điều trị không có trong danh mục của OHIP.
Đối với bảo hiểm dành cho sinh viên quốc tế khi du học tại Ontario, khi mua gói bảo hiểm sinh viên quốc tế (ví dụ tại trường Niagara College, phí bảo hiểm đã được bao gồm trong học phí của sinh viên), các bạn sinh viên có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế ở bất cứ đâu tại Canada qua các loại hình dịch vụ y tế như sau:
* Cửa hàng thuốc hoặc nhà thuốc: bạn có thể đến đây tìm mua thuốc men mà không cần đến gặp bác sĩ, vì dược sĩ ở Canada được đào tạo để nhận biết các loại bệnh và giúp bệnh nhân lựa chọn & mua loại thuốc phù hợp, dùng điều trị cho các thể trạng bệnh nhẹ.
* MobileDOCTOR: bạn có thể kết nối với bác sĩ từ điện thoại hoặc máy tính mọi lúc, mọi nơi mà không cần hẹn trước, và có thể không cần đến phòng khám hoặc bệnh viện, tuỳ thuộc vào chẩn đoán (diagnosis) bạn cung cấp thông tin trên ứng dụng này.
* Phòng khám không hẹn trước (Walk-in clinics): là nơi bạn có thể đến gặp bác sĩ khám trực tiếp, hay người ta hay goi là khám ‘walk-in’.
* Bệnh viện: là nơi dành cho các trường hợp bệnh tật nghiêm trọng.
* 911: Gọi hỗ trợ khẩn cấp.
Ngoài những dịch vụ trên, một số dịch vụ y tế khác mà người dân tại tỉnh bang Ontario được sử dụng, trải rộng khắp tỉnh bang, đó là:
* Bác sĩ gia đình (Family doctor): người dân Ontario được chọn bác sĩ để theo dõi thường xuyên về tình trạng sức khỏe của riêng mình và thành viên trong gia đình mình. Bác sĩ gia đình sẽ: (1) chẩn đoán và điều trị các bệnh, thương tích thông thường, đồng thời có thể giới thiệu bạn và gia đình bạn tới các bác sĩ chuyên khoa; (2) theo dõi, hỗ trợ thường xuyên lịch sử bệnh án của người bệnh (như tiểu đường hoặc cao huyết áp…); (3) ra đơn thuốc, kiểm tra sức khỏe liên tục, bao gồm cả sức khỏe và xét nghiệm tầm soát bệnh định kỳ (ví dụ như: ung thư, …).
* Trung tâm chăm sóc dài hạn (Long-term Care Homes): được chính phủ tài trợ tài chính, dành cho những người cần có sự chăm sóc đặc biệt, hoặc họ là những người không có khả năng tự chăm sóc bản thân mình.
* Trung tâm/Nhà hưu trí (Retirement Homes): dành cho những người nghỉ hưu, do tư nhân thành lập, sở hữu, vận hành.
* Dịch vụ chăm sóc tại nhà (Home Care): được chính phủ tài trợ, được quy định thông qua Các Mạng lưới Tích hợp Y tế Địa phương (Local Health Integration Networks (LHINs)). Có 14 LHINs ở Ontario được phân loại theo khu vực, vị trí địa lý.
* Telehealth Ontario: là một dịch vụ y tế bảo mật, hoạt động 24/7, miễn phí, người bệnh có thể gọi để nhận thông tin hoặc lời khuyên hữu ích về sức khỏe.
* Phòng khám chăm sóc trực tuyến Ontario (The Ontario Virtual Care Clinic): Kết nối với bác sĩ trực tuyến thông qua điện thoại bằng video / âm thanh trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, dành cho những người mắc triệu chứng bệnh thông thường như: Cảm lạnh, ho, cảm cúm, sốt, dị ứng, đau mỏi, phát ban, các thắc mắc cần giải đáp về thuốc…
Triển vọng việc làm ngành y tế tại Canada
Hệ thống y tế tại Canada đã góp một phần rất quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ của người dân. Tỉ lệ người cao tuổi tại Canada đang có chiều hướng gia tăng, nên cần thêm nhân lực & sự hỗ trợ hết sức tích cực từ những người làm trong ngành này.
Đáp ứng nhu cầu y tế của địa phương, tỉnh bang & liên bang – có rất nhiều ngành học trong lĩnh vực y tế – chăm sóc sức khoẻ được các trường Đại học, Cao đẳng mở ra cho sinh viên có thể lựa chọn, đó là những ngành học về bác sĩ (các loại chuyên khoa khác nhau), y tá, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên cấp cứu khẩn cấp, nhân viên hỗ trợ cá nhân, tâm lý trị liệu, tâm thần, lão khoa, ..v…v…
Sự đa dạng về nghề nghiệp này giúp sinh viên tự tin hơn trong việc chọn ngành học và tạo ra nguồn lực đa dạng cho thị trường lao động Canada.
Hiện nay, số người cần được chăm sóc y tế nhiều hơn nguồn nhân sự cung ứng trong ngành này, cho nên tới năm 2026, Canada vẫn cần rất-rất nhiều nhân lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của người dân.
Tại vùng Niagara – Ontario, ngành Chăm sóc sức khoẻ nằm trong top 3 các khối ngành tạo ra nhiều việc làm cho địa phương nhất, và ngành này đứng thứ 2 về tốc độ gia tăng lượng nhân lực làm việc mỗi năm.
Với chính sách tốt dành cho du học sinh tới Canada hiện nay, các bạn có thể xin work-permit để được ở lại làm việc tại Canada lên đến 3 năm và có khả năng xin định cư để hưởng được những chính sách nhập tịch tốt từ chính phủ. Tuy nhiên, để học các ngành về chăm sóc sức khỏe y tế, học sinh cần có sự kiên trì trong suốt quá trình học tập, thực tập để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Công việc trong ngành y tế thực sự rất vất vả, đòi hỏi sinh viên phải có sự tận tụy với nghề. Chúng ta có thể thấy rõ nét nhất trong đại dịch COVID-19, rất nhiều những nhân sự phục vụ trong ngành y tế (nhất là những nhân viên tuyến đầu – front-line workers) phải đối đầu với những nguy hiểm trong bệnh tật – họ phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, phải liên tục sẵn sàng có mặt với những tình huống khẩn cấp để cứu người.
Mức lương của ngành tại Canada
Dù ngành này hết sức vất vả, nhưng bù lại thì mức lương của những người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe & y tế rất xứng đáng với thời gian, cũng như công sức họ đã bỏ ra trong suốt quá trình đi học và đi làm. Một số vị trí và mức lương tham khảo như sau:
Nhân viên hỗ trợ cá nhân | từ $30,245/ năm (mới ra trường) đến $48,797/ năm (có kinh nghiệm) |
Y tá | từ $42,166/ năm (mới ra trường) đến $87,566/ năm (có kinh nghiệm) |
Dược sĩ | từ $31,466/ năm (mới ra trường) đến $72,891/ năm (có kinh nghiệm) |
Hỗ trợ nha khoa | từ $31,931/ năm (mới ra trường) đến $58,607/ năm (có kinh nghiệm) |
Hỗ trợ văn phòng nha sĩ | từ $33,150/ năm (mới ra trường) đến $51,217/ năm (có kinh nghiệm) |
Nhân viên vệ sinh nha khoa | từ $54,600/ năm (mới ra trường) đến $107,250/ năm (có kinh nghiệm) |
Trợ lý vật lý trị liệu | từ $29,738/ năm (mới ra trường) đến $65,403/ năm (có kinh nghiệm) |
Y tá sức khỏe tâm thần cộng đồng | từ $75,309/ năm (mới ra trường) đến $91,679/ năm (có kinh nghiệm) |
Chăm sóc giảm nhẹ | từ $41,396/ năm (mới ra trường) đến $94,322/ năm (có kinh nghiệm) |
Chăm sóc sức khỏe, y tế là khối ngành nghề hết sức cao quý, rất được trân trọng và ngưỡng mộ dù ở bất kỳ quốc gia nào. Đây là những ngành học liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên điều kiện tuyển sinh đầu vào của các trường và đầu ra của ngành này thường có những yêu cầu nhất định mà bạn cần đạt được. Một khi bạn đã làm trong lĩnh vực về Sức khỏe y tế, bạn chắc chắn phải có tinh thần trách nhiệm rất cao vì sản phẩm trong tay bạn – chính là con người.
Học ngành y tế tại Canada có nghĩa là bạn sẽ có trải nghiệm tuyệt vời, được đào tạo trong môi trường quốc tế, cập nhật kiến thức tiên tiến nhất thế giới, tiếp cận các trang thiết bị hiện đại, sống và làm việc trong một quốc gia phát triển bậc nhất. Hơn thế nữa, bạn có thể làm việc ở các quốc gia khác với tấm bằng tốt nghiệp ngành y tế tại Canada.
Là sinh viên quốc tế, bạn được chọn học những ngành liên quan đến sức khỏe mà trường Niagara College đào tạo – từ Chứng Chỉ, Cao Đẳng đến Sau Đại Học như sau:
☞ Chương trình đào tạo chứng chỉ (1 năm) dành cho các bạn có sở thích và niềm đam mê phục vụ sức khoẻ cộng đồng, trong các lĩnh vực cụ thể như:
* Hỗ trợ Nhà thuốc Cộng đồng (Community Pharmacy Assistant)
* Hỗ trợ Nha khoa (Dental Assisting (Levels I and II)
* Hành chính phòng khám Nha khoa (Dental Office Administration)
* Chăm sóc sức khỏe cá nhân (Personal Support Worker) (có thể tiếp tục học Practical Nursing)
* Dự bị sức khỏe – học tiếp chứng chỉ, cao đẳng (Pre-health Sciences – Pathway to Certificates and Diplomas)
* Dự bị sức khỏe – học tiếp cao đẳng nâng cao và cử nhân (Pre-health Sciences – Pathway to Advanced Diplomas and Degrees).
Học sinh hoàn thành xong chương trình dự bị Khoa học Tiền Sức Khỏe chuyển tiếp lên các chương trình chứng chỉ, cao đẳng như – Vệ sinh nha khoa (Dental Hygiene), Điều dưỡng (Practical Nursing) cao đẳng nâng cao hay cử nhân là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên do số lượng chỗ dành cho sinh viên quốc tế có hạn nên các bạn cần sẵn sàng bảng điểm tốt, điểm IELTS cao và nhanh tay nộp đơn để có thể được xem xét.
☞ Chương trình đào tạo Cao Đẳng (2 năm) dành cho các bạn có sở thích làm nhân viên hành chính lĩnh vực y tế (Office Administration – Health Services) hay chăm sóc bệnh nhân phục hồi vật lý trị liệu (Occupational Therapist Assistant and Physiotherapist Assistant) hoặc kỹ thuật viên dược (Pharmacy Technician).
☞ Chương trình đào tạo Sau Đại Học (1 năm) cung cấp các chương trình 1 năm dành cho lĩnh vực:
* Sức khoẻ tâm thần (Community Mental Health)
* Lão khoa (Gerontology)
* Quản lý chăm sóc sức khoẻ y tế (Healthcare Leadership and Management)
* Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân (Palliative Care).