web analytics

VIỆT NAM – MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CỦA NHƯỢNG QUYỀN 

VIỆT NAM – MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CỦA NHƯỢNG QUYỀN 

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động nhượng quyền thương mại vào Việt Nam.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, đã có 213 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam.

Thực tế thời gian qua, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới ở các lĩnh vực như đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng cho đến mỹ phẩm, quần áo… đã và đang nhanh chóng bước vào thị trường Việt Nam, ngày càng mở rộng quy mô.

Những cái tên điển hình như: McDonald’s, Baskin Robbins (đến từ Mỹ); Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Burger King (Singapore); Lotteria, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc); Swensen’s (Malaysia), Warehouse, Topshop, Coast London (Anh)…

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh. Đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền nâng cao giá trị thương hiệu, đặc biệt hơn là nâng tầm doanh nghiệp. Đây là cách huy động vốn và nhân lực rất thông minh của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Doanh cũng cho rằng không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền, mô hình này còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền mà sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các doanh nghiệp này đỡ tốn một khoản tiền khổng lồ để tạo dựng thương hiệu cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo, xúc tiến bán hàng.

Theo các chuyên gia, xu hướng các thương hiệu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới, đặc biệt là các thương hiệu đến từ khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines… sẽ có lợi thế nhờ thuận lợi về phương diện hậu cần, vận chuyển.

Đại diện Hiệp hội Nhượng quyền Malaysia cho rằng ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, đặc biệt là mảng thực phẩm, thức uống rất khó xâm nhập vào thị trường nước ngoài vì khẩu vị khác nhau, độ ăn cay khác nhau ở từng nước. Do đó, bản thân các nhà đầu tư mua thương quyền nước ngoài vào Việt Nam cần hiểu rõ về mọi thứ liên quan đến thị trường này.

Tại Malaysia có hẳn đạo luật riêng về nhượng quyền, hàng năm các doanh nghiệp đưa thương hiệu quốc gia ra nước ngoài nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, khuyến khích đưa hàng hóa ra nước ngoài.

Tuy vậy, thị trường tại Việt Nam vẫn chỉ ở trong giai đoạn “gieo hạt” với các thương hiệu nhượng quyền nội địa khá khiêm tốn.

———————————————————–